Tản mạn một chút: khi nghĩ về Google Ads, chắc hẳn ai cũng nghĩ về quảng cáo từ khóa. Ban đầu tôi cũng vậy, và giờ tôi cũng nghĩ vậy. Dựa vào 8 năm kinh nghiệm trong nghề mà nói, quảng cáo Keyword và Shopping vẫn đang là linh hồn của Google Ads. Điều đó có nghĩa là Google Ads, ngoài việc đem doanh số về, vẫn là một kênh để “phủ thị trường” đối với những khách hàng đã định hình rõ trong đầu nhu cầu họ tìm kiếm. Đấy bạn thấy không, mỗi kênh có những điểm mạnh riêng. Và vấn đề của người làm Digital Marketing là phải hiểu rõ từng kênh, hiểu rõ business để đưa ra một cách đánh Digital Marketing cho phù hợp.
Nếu bạn đang tìm hiểu kiến thức cơ bản về quảng cáo Google và băn khoăn “Làm thế nào để chạy quảng cáo Google Ads hiệu quả”, hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp ích cho bạn!
Rất nhiều doanh nghiệp, người làm kinh doanh Online đã và đang dành một khoản ngân sách nhất định để triển khai quảng cáo trên Google. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về giải pháp quảng cáo này, đừng bỏ qua bài viết dưới đây. Nội dung bài viết không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về chạy quảng cáo Google Ads mà còn hướng dẫn cách tạo tài khoản, tạo chiến dịch Google Ads hiệu quả,…
Tổng quan về quảng cáo trên Google
Trước khi đi vào tìm hiểu cách tạo tài khoản Google Ads hay cách chạy quảng cáo Google Ads hiệu quả sẽ có ở phần sau, bạn cần hiểu rõ về công cụ này. Cùng tìm hiểu các kiến thức cơ bản về Google Ads dưới đây.
Quảng cáo Google Ads là gì?
Quảng cáo Google Ads là giải pháp quảng cáo của Google. Với hình thức này, bạn sẽ phải trả phí để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình trên Google tìm kiếm, Youtube cũng như các trang Web khác. Nói cách khác, mục đích khi chạy quảng cáo Google Ads là để quảng cáo của bạn xuất hiện trong Top tìm kiếm của Google hoặc quảng cáo hiển thị.
Khi chạy quảng cáo Google, quảng cáo của bạn sẽ xuất hiện ở vị trí Top trong trang kết quả tìm kiếm.
Nhìn chung, chạy quảng cáo trên Google đang là kênh được nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh Online lựa chọn. Cụ thể, khi triển khai chạy quảng cáo Google Ads, bạn sẽ nhận được lợi ích hay gặp phải hạn chế gì? Cùng theo dõi trong nội dung tiếp theo.
Ưu điểm của quảng cáo Google Ads
Dưới đây là các ưu điểm cũng như hiệu quả doanh nghiệp sẽ nhận được khi chạy quảng cáo Google Ads:
- Quảng cáo Google Ads giúp tiếp cận đúng khách hàng tiềm năng (quảng cáo được hiển thị đúng theo mục tiêu bạn đặt ra).
- Dễ dàng kiểm soát ngân sách (đặt giá thầu cho từng chiến dịch, theo dõi được nguồn tiền đã chi).
- Chi phí trả cho quảng cáo minh bạch, chỉ phải trả tiền khi có người nhấp vào quảng cáo.
- Đo lường kết quả dễ dàng và nhanh chóng.
- So với nhiều phương pháp quảng cáo khác, Google Ads đem lại hiệu quả nhanh chóng. Bạn sẽ có mặt trong Top đầu kết quả tìm kiếm trong vòng vài phút sau khi khởi tạo chiến dịch thành công.
- Chạy quảng cáo Google có thể phục vụ hiệu quả cho việc tiếp thị lại (Remarketing) với người đã truy cập vào Website của bạn trước đó.
Hạn chế khi triển khai quảng cáo trên Google
Bên cạnh những ưu điểm nổi trội trên, chạy quảng cáo trên Google cũng có một số hạn chế cần cân nhắc sau:
- Chạy quảng cáo Google Ads phức tạp, yêu cầu chuyên môn cao. Việc thiết lập lúc đầu khá dễ dàng. Nhưng về lâu dài, để cạnh tranh và tối ưu hiệu quả quảng cáo đòi hỏi người triển khai phải có kiến thức, phân tích chuyên sâu.
- Tính cạnh tranh rất cao. Có thể thấy một thực tế là rất nhiều công ty lớn nhỏ hiện nay khi triển khai Marketing Online đều hướng đến hoạt động Google Ads. Bởi vậy, quảng cáo Google Ads có tính cạnh tranh cao ở hầu hết tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
- Xét về chi phí, nếu triển khai dài hạn, chi phí chạy quảng cáo Google Ads sẽ rất lớn. Bạn sẽ phải liên tục chi tiền quảng cáo để duy trì vị trí của mình trong kết quả tìm kiếm Google.
Cách tạo tài khoản Google Ads
Sau khi tìm hiểu các thông tin tổng quan trên, bạn đã có đang băn khoăn về câu hỏi chạy quảng cáo trên Google cần những gì? Câu trả lời đầu tiên là bạn cần có tài khoản Google Ads.
Để tạo tài khoản Google Ads, bạn cần chuẩn bị 1 Gmail chưa từng đăng ký tài khoản Google Ads và 1 thẻ thanh toán quốc tế – thẻ Mastercard hoặc thẻ Visa. Còn cụ thể cách tạo tài khoản Google Ads như thế nào mời bạn theo dõi hướng dẫn dưới đây.
Đăng ký tài khoản Google Ads
Các bước để đăng ký tài khoản Google Ads như sau:
- Bước 1: Truy cập vào https://ads.google.com và nhấp chọn “Đăng ký”. Tại đây, bạn sẽ đăng nhập Gmail bạn muốn tạo tài khoản Google Ads.
- Bước 2: Google Ads sẽ hiển thị các tùy chọn cho câu hỏi “Mục tiêu quảng cáo chính của bạn là gì?”. Căn cứ vào mục đích của mình bạn có thể Click chọn 1 trong 4 mục tiêu. Tuy nhiên, bạn có thể nhấn “Chuyển sang chế độ chuyên gia” để hoàn thành việc đăng ký tài khoản trước. Sau đó sẽ quay lại thiết lập chiến dịch sau.
- Bước 3: Click chọn “Tạo tài khoản mà không cần chiến dịch”.
- Bước 4: Sau đó, bạn sẽ điền các thông tin về quốc gia thanh toán, múi giờ và tiền tệ.
- Bước 5: Nhấn nút “Gửi” để hoàn thành việc đăng ký tài khoản.
Thêm phương thức thanh toán
Khi đã đăng ký tài khoản Google Ads, để chạy quảng cáo, bước tiếp theo bạn cần làm là thêm phương thức thanh toán. Lúc này cần chuẩn bị sẵn thẻ ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế. Sau đó làm theo hướng dẫn dưới đây:
- Bước 1: Trong tài khoản Google Ads, nhấn vào “Cài đặt” và chọn “Thanh toán”.
- Bước 2: Chọn quốc gia hoặc vùng lãnh thổ và nhấn “Tiếp tục”.
- Bước 3: Điền địa chỉ doanh nghiệp. Sau đó nhấn “Tiếp tục”.
- Bước 4: Lựa chọn thanh toán và nhập thông tin thanh toán thẻ thanh toán mà bạn muốn sử dụng cho tài khoản này.
- Bước 5: Nhấp chọn “Gửi và kích hoạt”.
Cách tạo chiến dịch quảng cáo Google Ads
Khi hoàn thành các bước trên và sở hữu một tài khoản Google Ads, bạn đã có thể bắt đầu tạo chiến dịch đầu tiên. Để việc tạo chiến dịch quảng cáo Google Ads dễ dàng hơn, đừng bỏ qua những hướng dẫn sau đây.
Tạo chiến dịch Google Ads
Các bước cơ bản để tạo chiến dịch Google Ads như sau:
- Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Google Ads.
- Bước 2: Ở trình đơn ở bên trái, Click chọn “Chiến dịch” rồi nhấn “Chiến dịch mới”.
- Bước 3: Chọn mục tiêu chiến dịch bạn muốn hướng đến. Sau đó nhấn “Tiếp tục”.
- Bước 4: Chọn loại chiến dịch: Google Ads sẽ đề xuất các loại chiến dịch phù hợp nhất để giúp bạn đạt được mục tiêu đã chọn. Sau khi chọn loại chiến dịch phù hợp bạn có thể nhấn “Tiếp tục”.
- Bước 5: Bạn sẽ được đưa đến một trang mới để chọn tùy chọn cài đặt cho chiến dịch, thiết lập nhóm quảng cáo và tạo quảng cáo. Nhìn chung với mỗi loại chiến dịch bạn chọn (chiến dịch tìm kiếm, chiến dịch hiển thị, chiến dịch Video,…) sẽ có quy trình thiết lập riêng.
Tạo từ khóa và mẫu quảng cáo
Việc tạo danh sách từ khóa phù hợp có thể giúp quảng cáo của bạn hiển thị với đúng khách hàng tiềm năng, tránh lãng phí ngân sách. Nhìn chung, từ khóa được chọn phải phù hợp đặc điểm, mô tả của sản phẩm/dịch vụ hoặc khớp với những từ khóa mà khách hàng tiềm năng có thể tìm kiếm trên Google.
Tiếp đó, khi thiết lập chiến dịch chạy quảng cáo trên Google, bạn cần chọn loại đối sánh từ khóa. Cụ thể sẽ có 1 trong 4 hình thức đối sánh từ khóa đó là:
- Đối sánh rộng.
- Đối sánh rộng có sửa đổi.
- Đối sánh cụm từ.
- Đối sánh chính xác.
Sau khi phân chia từ khóa vào các nhóm, việc tiếp theo là tạo mẫu quảng cáo. Mẫu quảng cáo gồm 3 phần: tiêu đề (3 tiêu đề), URL hiển thị và văn bản mô tả.
Để mẫu quảng cáo Google Ads hiệu quả, thu hút, bạn có thể thực hiện theo các lưu ý sau:
- Viết ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu. Đưa ra thông tin có giá trị, điểm mạnh, nổi trội của sản phẩm/dịch vụ, điểm hấp dẫn để thu hút khách hàng.
- Cụm từ khóa chính cần xuất hiện trong tiêu đề và văn bản mô tả.
- Không nên lạm dụng sử dụng ký tự đặc biệt trong mẫu quảng cáo.
- Đưa ra lời kêu gọi hành động CTA trong mẫu quảng cáo.
- Test các mẫu quảng cáo khác nhau để chọn mẫu tốt nhất.
Một số lưu ý để chạy quảng cáo Google Ads hiệu quả
Các nội dung phía trên đã chia sẻ đến bạn một số hướng dẫn chạy quảng cáo Google Ads cơ bản. Để việc chạy quảng cáo Google này thực sự hiệu quả, dưới đây là một số lưu ý bạn cần quan tâm.
Xác định rõ ràng mục đích chạy quảng cáo trên Google
Xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu sẽ giúp bạn tạo chiến dịch quảng cáo phù hợp. Từ đó đạt được hiệu quả đúng như mục tiêu đặt ra. Bởi như đã chia sẻ trong nội dung trước, tùy mục đích, bạn có thể chọn loại chiến dịch và Keyword phù hợp.
Chẳng hạn, mục tiêu của bạn là đơn hàng, có doanh thu nên sử dụng Keyword chứa từ “mua”. Trong trường hợp mục đích chạy quảng cáo Google là làm Branding có thể sử dụng chiến dịch quảng cáo Banner.
Tối ưu Website và trang đích (Landing Page)
Trong các hướng dẫn chạy quảng cáo Google hiệu quả, tối ưu Website và trang đích là việc làm bắt buộc. Bạn cần thực hiện việc này trước khi chạy quảng cáo. Bởi sau khi mất nhiều chi phí để thu hút khách hàng Click đến trang đích, khách hàng quyết định mua sản phẩm hay rời đi sẽ phụ thuộc vào chất lượng trang đích này.
Nhìn chung, nếu trang đích tải chậm, nội dung sơ sài hoặc không khớp với Keyword/mẫu quảng cáo,… sẽ đem đến trải nghiệm tệ cho khách hàng. Google vì thế cũng đánh giá quảng cáo không tốt. Điều này vừa ảnh hưởng đến kết quả chạy quảng cáo vừa ảnh hưởng đến hình ảnh Website, thương hiệu.
Tracking đầy đủ trước khi chạy
Một trong những sai lầm khiến quảng cáo không hiệu quả đến từ việc không Tracking đầy đủ trước khi chạy. Việc Tracking này lại quay về lưu ý số 1: xác định được mục đích chạy quảng cáo. Bởi biết mục đích chạy làm gì, bạn mới biết cần Tracking gì. Từ đó, cài đặt theo dõi và đo lường chuyển đổi chi tiết.
Nếu bạn chạy quảng cáo Google Ads để lấy thông tin khách hàng (Lead) thì Conversion Google Ads sẽ là Submit thành công. Còn nếu chạy lấy đơn hàng trực tiếp, Conversion khi đó sẽ là thanh toán thành công.
Mẫu quảng cáo
Mẫu quảng cáo hấp dẫn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của chiến dịch quảng cáo Google Ads. Lưu ý cho bạn khi viết mẫu quảng cáo phải bàn bản, khớp với Keyword/User và trang đích.
Theo dõi và tối ưu liên tục
Trong quá trình quảng cáo hoạt động, bạn cần theo dõi liên tục, đo lường và đánh giá hiệu quả. Từ đó có những điều chỉnh, tối ưu để quảng cáo mang lại kết quả tốt nhất. Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh, nếu không tối ưu liên tục, đối thủ sẽ nhanh chóng lấn lướt bạn.
Kết luận
Chạy quảng cáo Google Ads nhìn chung không khó. Chỉ cần bạn làm bài bản ngay từ đầu và đưa ra quy trình tối ưu liên tục sẽ đạt được hiệu quả mong muốn. Trên đây là những chia sẻ cơ bản về quảng cáo Google hy vọng giúp bạn có thêm kiến thức để áp dụng chạy quảng cáo Google Ads hiệu quả hơn.
Xem thêm:
Google Ads 10 thay đổi trong năm 2023 bạn cần biết
Google Ads 4 hình thức quảng cáo bạn cần nắm rõ
8 Lợi ích của quảng cáo Google khiến bạn muốn sử dụng ngay